TRẮC NGHIỆM TRƯỚC NGƯỠNG CỬA HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
Gioakim Trương Đình Giai
LTS – Khi khôn lớn, lúc trưởng
thành, không đi tu thì đại đa số ai cũng lập gia đình. Tuy nhiên, chọn bạn mà
chơi đã là khó, chọn một người bạn đời để “ăn đời ở kiếp” với nhau thì không hề
đơn giản, thậm chí là nhiêu khê lắm! Người đời còn vậy, huống chi người Công
giáo, vì đó là Thánh Luật: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được
phân ly” (Mt 19:6; Mc 10:9). Có người kết hôn một lần, có người kết hôn hai hoặc
vài lần, nhưng lần nào cũng phải ráng “chọn” cho đúng, đừng để phải thốt lên:
“Tôi lầm!”. Bạn dùng tiêu chí nào để chọn? Mời bạn tìm hiểu!
Làm thế nào để chọn bạn đời?
Để chọn bạn đời, điều trước
tiên tôi khuyên bạn, xem ra nghịch lý đó là đừng nghĩ đến chuyện chọn bạn đời.
Hãy sống cởi mở chân thành với mọi người, từ đó bạn sẽ hy vọng gặp được những
người cũng cởi mở chân thành với bạn. Điều quan trọng là phải làm chủ được tình
cảm của mình. Đây là điều khó nhất và xem ra trái với tự nhiên. Nhưng lại là rất
quan trọng vì nếu như bạn thể hiện tình cảm của mình ngay, đối tượng sẽ hoặc bị
dội nếu chưa đồng cảm, hoặc sẽ không dám thể hiện tự nhiên con người của họ vì
hoặc sợ bị lợi dụng hoặc vì muốn lấy lòng bạn nên tìm cách che giấu các khuyết
điểm của họ. Và do đó bạn không thể nào biết được con người thật của họ. Cách
hay nhất để giúp một người nào đó thể hiện con người của họ một cách tự nhiên,
đó là coi họ như bạn bè, vì bạn bè theo định nghĩa, là người mà với người đó
mình có thể là chính mình. Chính vì thế, hãy khởi đầu bằng tình bạn. Đừng bao
giờ thể hiện ngay tình cảm của mình với bất cứ ai. Nếu ngay từ đầu bạn đã muốn
chinh phục một ai đó, hay dành tình cảm của người ta, điều đó nói lên bạn chưa
có ý ngay lành, tình cảm của bạn có mùi chiếm hữu.
Đừng vội thể hiện tình cảm
khác hơn là bạn với một ai đó dù tình cảm của bạn nảy sinh thật tự nhiên, mãnh
liệt. Vượt qua cửa ải này, bạn mới có thể khởi đầu tốt được. Đừng để tình cảm
ban đầu chi phối mình đến độ không thể kìm chế, đi tới việc quan hệ tình cảm với
ai đó. Vì tình cảm đó không hẳn là dấu hiệu của tình yêu. Sự thu hút ban đầu
thường do cảm tính, sự thu hút của bề ngoài, đặc biệt đối với người nam, hay do
một sự thán phục nào đó, thường đối với người nữ. Những cảm giác đó có thể là một
tín hiệu nhưng cần phải được kiểm chứng. Biết đâu bạn cũng có thể cảm nhận điều
đó đối với những người khác. Cho dù bạn có thể có tình cảm đặc biệt với ai ngay
từ đầu, nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu người ấy thì phải kìm chế con tim của bạn.
Như thế điều tốt nhất là
hãy khởi đầu với tình bạn. Nếu bạn làm chủ được tình cảm của mình bạn mới có thể
làm bạn được với một ai đó được lâu và cũng để người ấy cũng có thể làm bạn với
bạn được lâu. Chính với tư cách là bạn, chúng ta mới có thể sống thật với con
người của mình, mới dám thực hiện con người của mình một cách không ngại ngùng,
từ lời ăn tiếng nói đến cách xử sự, mới có thể bộc lộ nhận thức, quan niệm, sở
thích, mới không giữ kẽ. Cần phải có thời gian để người ta có điều kiện thực hiện
chính mình trong nhiều tình huống, cảnh ngộ và không gian khác nhau. Nhờ đó, cả
hai mới có cơ hội và khả năng tìm hiểu nhau thực sự, mới hy vọng biết được ít
nhiều về nhau như chính mình là. Từ đó bạn mới có thể xác định xem người ấy có
phải là típ của bạn, có phù hợp với bạn không. Nói nôm na là đừng đốt giai đoạn.
Và khi đặt trên quan hệ bạn
bè, bạn có thể quen với một vài người khác cũng với tư cách đó mà không có gì
phải áy náy với lương tâm vì bạn không ở trong cái tư thế làm cho ai đó mong đợi
gì ở bạn. Có lẽ bạn nên quen với hơn một người, để có cơ hội so sánh, để có thể
thực sự có một sự lựa chọn, để sau này không phải tiếc nuối là bạn chọn lầm hay
chưa chọn. Đương nhiên bạn không thể có giờ để tìm hiểu quá nhiều người dù theo
nghĩa là bạn. Và như thế với một thời gian nhất định nào đó. Điều này không tùy
thuộc vào thời gian cho bằng là tùy thuộc vào những điều kiện hoàn cảnh đa dạng
mà bạn tạo ra để cho những người ấy có cơ hội thực hiện chính bản thân họ và
tùy theo mức độ chân thành cởi mở của hai người. Đến một thời gian nhất định
nào đó, bạn đã có thể thu thập đủ dữ kiện mà bạn quan tâm để có thể chọn lựa bạn
đời. Vấn đề đặt ra là chọn lựa theo tiêu chuẩn nào. Không có tiêu chuẩn nào
chung cho mọi người mà chỉ có tiêu chuẩn do chính bạn đề ra cho chính bạn. Để
xác định được tiêu chuẩn, trước tiên và quan trọng nhất bạn phải biết chính
mình. Như Socrate, hay Lão Tử nói biết mình là khởi đầu của mọi sự. Bạn cần phải
biết mình muốn gì, biết khuynh hướng sở thích quan niệm sống, ưu khuyết điểm… của
chính bạn và cũng cần phải biết y như vậy về đối tượng bạn có ý tìm hiểu để từ
đó mới hy vọng chọn được típ phù hợp với mình.
Mọi sự phải để lên bàn cân.
Bạn phải có một thang giá trị rõ ràng cho chính mình để từ đó xác định điều nào
đối với bạn là quan trọng nhất, khá quan trọng, và ít quan trọng hơn, từ đó mới
có thể chọn lựa đúng đắn được.
Và khi nói chọn lựa, bạn phải
hiểu đó là một hành động sáng suốt của lý trí tỏ tường chứ không phải là nhắm mắt
để tình cảm đẩy đưa. Bởi nếu ngay từ đầu bạn đã nghĩ cảm giác của con tim mới
là chính thì cần gì phải tìm hiểu.
Tìm người yêu thì không
khó, nhưng chọn bạn đời mới là vấn đề, và tìm một người vừa là người yêu vừa là
bạn đời còn khó hơn gấp bội.
Trước khi xác định đối tượng
để bắt đầu tiến đến một quan hệ mới, bạn phải xét xem đâu là những điểm chung cần
có để đạt đến sự hòa hợp ít nhiều trong hôn nhân sau này.
Yêu nhau là cùng nhìn về một
hướng. Đây là điểm chung quan trọng nhất mà bạn cần phải coi trọng nhất, không
thể nào coi thường, trừ phi bạn xem thường hạnh phúc của chính mình. Sư thu hút
về nhau sẽ phai nhạt theo năm tháng theo quy luật khi người ấy không còn được
che chắn bởi một tấm màn, khi người ấy không còn gì là bí nhiệm đối với bạn.
Thật ra con người luôn luôn
có những điều mới để khám phá và chẳng bao giờ bạn có thể nói tôi đã biết tất tần
tận về một con người cho dù vợ hay chồng của bạn. Nhưng tiếc thay con người đa
số do thiển cận, thành kiến, nên thường không khám phá được điều gì mới nơi người bạn đời của mình sau khi đã hình
thành một cái hình ảnh nào đó về người ấy, vì quen bám víu vào cái nhận thức định
kiến ban đầu, cũ rích ấy.
Điều mà cả hai cùng hướng tới
nói trên là lý tưởng, lẽ sống, khát vọng sâu xa mà hai người cùng chia sẻ. Nó
tìm ẩn nơi niềm tin tôn giáo, cái chân thiện mỹ, lòng nhân đạo. Là tất cả những
gì làm nên niềm vui sâu xa và, ý nghĩa của cuộc sống, lẽ sống của hai người. Kế
đến là quan niệm sống xuất phát từ chính lẽ sống và nền giáo dục của hai người.
Tiếp đến là những đam mê, sở thích của hai người. Rồi sự môn đăng hộ đối, điều
này cũng rất quan trọng để tránh được những hiểu lầm do mặc cảm tự ti. Sự chênh
lệch tuổi tác cũng là một vấn đề cần nên tránh. Vì thông thường tuổi tác chênh
lệch thì nhận thức cũng chênh lệch, khó có thể đồng cảm. Rồi quan hệ giữa hai
bên gia đình cũng rất quan trọng vì giáo dục có tác động ít nhiều vào bản thân
của mỗi người.
Tùy từng cá nhân, tùy thang
giá trị mà mỗi người đặt ra cho mình mà mức độ quan trọng của những điều nói
trên biến thiên, tăng thêm hay giảm đi.
Nếu không có những điểm
chung chính yếu giữa hai người, sẽ xảy ra xung đột thường xuyên, và rất dễ có
nguy cơ dẫn đến chia tay nhất là khi không có tình yêu thực sự.
Bạn đừng bao giờ quyết định
đi đến hôn nhân chỉ dựa trên sự phải lòng. Vì sự phải lòng không bảo đảm cho sự
hòa hợp trong hôn nhân. Nó chỉ là một yếu tố bấp bênh, không kéo dài. Phải lòng hôm nay mất lòng ngay mai
là chuyện thường. Tình cảm nồng nàn ban đầu không hẳn bảo đảm cho sự hòa hợp gắn
bó giữa hai người sau hôn nhân. Nói nôm na, chưa đụng trận mọi dự đoán đều khập
khiễng.
Điều quan trọng là bạn phải
nhìn cho ra được những điều trái ý, trái tai gai mắt, những khuyết điểm của người
ấy và xem coi nó tác động như thế nào đối với bản thân bạn như bạn có thể chấp
nhận được thì bạn mới có thể nghĩ đến việc tiến xa hơn với người ấy. Chỉ là có
thể thôi bởi, lúc ấy giữa hai người còn nhiều cuốn hút, các bạn có thể dễ dàng
chấp nhận những khuyết điểm của nhau. Nhưng đến khi sống chung thành vợ chồng
khi tình cảm đã vơi, sự cuốn hút cũng mất dần, những khuyết điểm mà bạn nghĩ là
có thể chấp nhận được có thể trở nên những điều khó chấp nhận.
Nhưng dù sao bạn cần phải
biết rằng con người luôn ở trong tình trạng biến đổi. Những gì bạn biết được
nơi người ấy hôm nay vào thời điểm này không nhất thiết vẫn còn giá trị vào những
thời điểm khác vào ngày mai. Người ấy có thể thay đổi. Bạn hoàn toàn không thể
đoán biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Chính vì thế, hôn nhân luôn
luôn là một cuộc phiêu lưu không hẳn là thú vị mà có khi là ngược lại. Có những
điều xảy ra ngoài ý muốn, trái ý của bạn.
Để tránh bớt những hụt hẫng,
những cú sốc, bạn luôn phải chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất có thể xảy ra. Nói
nôm na, bạn phải chấp nhận hết thì mới mong khỏi quỵ ngã. Có như thế, bạn mới
có thể bước vào đời sống hôn nhân một cách vững tâm được. Để có thể chấp nhận hết,
bạn phải có một tình yêu lớn lao, một con tim rộng mở, một vòng tay bao dung, một
cái nhìn tích cực, không thành kiến, luôn mới mẽ về người bạn đời của mình.
Nhưng điều quan trọng nhất
bạn phải nhớ, đó là không bao giờ nên lập gia đình với những típ người sau đây:
1- Người chưa trưởng thành.
Vì người ấy không biết yêu, không biết đón nhận, quý trọng tình yêu, không biết
xây dựng hạnh phúc gia đình, sống không có trách nhiệm trong tình yêu, sẽ gây
đau khổ cho bạn và có khả năng làm cho hôn nhân tan vỡ, nhất là khi bản thân
người ấy lại là người ích kỷ, cứng đầu, nhận thức sai lạc và bạn lại không đủ
kiên nhẫn, lòng bao dung, cảm thông và tha thứ.
2- Người có nhận thức lệch lạc
mà lại cứng đầu. Vì do nhận thức sai lạc người ấy sẽ có những ứng xử sai lạc
trong lời nói, cử chỉ và hành động, điều đó sẽ gây sốc thường xuyên cho bạn, sẽ
làm khổ tâm trí bạn. Hơn nữa, bạn sẽ không thể nào đối thoại với người ấy trong
khi đối thoại là con đường chính yếu để giải quyết xung đột trong hôn nhân, tạo
sự hòa hợp, thăng tiến trong hôn nhân.
3- Người ích kỷ. Vì người ấy
không thể yêu bạn và mang lại cho bạn điều gì ngoài sự mất mát, hụt hẫng.
Hôn nhân chỉ đổ vỡ khi bạn
hèn nhát, buông súng đầu hàng trước gian nan thử thách, ví dụ khi bị địch thủ tấn
công. Địch thủ ở đây có thể chính là người bạn đời của bạn. Đừng nghĩ rằng người
bạn đời luôn luôn là bạn đồng hành, nâng đỡ, bênh vực bạn. Đôi khi người bạn đời
lại là kẻ thù, địch thủ của bạn theo một nghĩa nào đó, làm cho bạn không thực
hiện được mục đích cao cả của đời sống chung cũng như của riêng bạn. Đôi khi bạn
đời của bạn không có, hay thiếu ý thức vun đắp và xây dựng hạnh phúc gia đình,
thậm chí đôi khi còn phá hoại mà không biết hay do không có thiện chí do ý hướng
không ngay lành. Khi đó trách nhiệm của bạn sẽ nặng nề gấp bội. Nếu bạn không
có niềm tin và ý chí nghị lực đủ mạnh thì mọi sự rất dễ đổ vỡ.
Kẻ thù nguy hiểm nhất của hạnh
phúc gia đình là ma quỷ, đầu mối của mọi chia rẽ bất hòa trong gia đình. Chúng
vô cùng thâm độc núp dưới nhiều hình dạng khác nhau. Tác động nguy hiểm nhất của
chúng là làm cho bạn mắc phải ngộ nhận trầm trọng nhất. Đó là nghĩ rằng nghe
theo lời xúi giục của chúng là sống trung thực với lòng mình. Thế gian với những
hấp dẫn lôi cuốn của nó lây nhiễm cái não trạng của bạn theo ngôn ngữ của thánh
Gioan. Xác thịt với bản năng dục vọng của nó, đôi khi ngay cả cái thú vui xác
thịt chính đáng, khi tách rời với những yếu tố khác của tình yêu làm cho bạn lầm
tưởng tình yêu chỉ là chuyện quan hệ tình dục, là sự thõa mãn khoái cảm xác thịt
và do đó nó giết chết tình yêu khi bạn không đạt được khoái cảm xác thịt như
thuở ban đầu.
Kẻ thù bên ngoài cho dù
đáng sợ cách mấy cũng không nguy hiểm
đáng sợ bằng kẻ thù bên trong, đó là con người của của bạn, con người bị nô lệ
cho tội lỗi, cho ma quỷ và mọi sự hấp dẫn của ma quỷ.
Nếu bạn đồng lõa với ma quỷ,
để cho ma quỷ xỏ mũi, thế gian cuốn hút, xác thịt lôi kéo, hôn nhân đổ vỡ là điều
tất yếu.
Phải loại trừ khỏi lòng bạn
mọi mầm mống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, lòng tham lam và kiêu ngạo. Đó là những
mãnh đất béo bở để ma quỷ bám vào để sống, hoành hành và ngự trị. Diệt được mầm
mống đó nơi tâm hồn bạn là cướp đất sống của ma quỷ, là bỏ đói chúng, làm chúng
sớm muộn cũng phải rút lui có trật tự.
Trắc nghiệm trước ngưỡng cửa hôn nhân
Cần phải biết mình thực sự là ai và muốn gì và
người mà mình có ý định chọn làm bạn đời là ai và người ấy muốn gì.
Không phải chỉ là biết nghề
nghiệp, tuổi tác, xuất thân, hoàn cảnh, mà điều quan trọng hơn là quan điểm sống,
sở thích, khuynh hướng, dự định, ước mơ, thói quen, phong cách, cách ăn nói, cư
xử, ưu khuyết điểm, qúa khứ, hiện tại để sau này khi chung sống bạn không bất ngờ về những cách thể hiện của người ấy để đừng bao giờ nói: Phải mà trước đây tôi
biết…
Đương nhiên không bao giờ
có thể hiểu trọn vẹn đầy đủ về một con người vì con người không phải là quá
khứ, hiện tại mà còn hay đúng hơn là tương lai. Đã từng có biết bao nhà bác học
hồi thời đi học bị coi là ngu đần, biết bao thánh nhân hồi trai trẻ là những tội
nhân, biết bao người trước khi lập gia đình rượu chè, cờ bạc nhưng sau khi lập
gia đình lại đổi đời hoàn toàn và ngược lại…
Cần phải biết rõ vì sao hai
bạn đến với nhau, nhận thức của người ấy về những giá trị nền tảng: tình yêu,
trách nhiệm, đạo đức, gia đình, tôn giáo… Điều này vô cùng quan trọng vì nó quyết
định hạnh phúc của đời sống hôn nhân gia
đình của chính bạn, và của những người thân của bạn, tránh cho bạn và cho họ mọi
thứ hụt hẫng khổ đau.
Hôn nhân chỉ thực sự có ý
nghĩa khi nó xuất phát từ tình yêu đích thực và nó là điều kiện cần để có hạnh
phúc trong đời sống hôn nhân gia đình. Đừng bao giờ đùa với tình yêu vì như thế
bạn đang đùa với hạnh phúc của chính bạn.
Chính vì thế bạn cần phải
có một nhận thức đúng đắn và trưởng thành về tình yêu, giải thoát mình khỏi những
ngộ nhận về tình yêu.
Một câu hỏi vô cùng quan trọng
cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với người
bước vào đời sống hôn nhân mà mỗi người
phải tự đặt ra cho mình và cho người
mà định chọn làm bạn đời. Vì rất có khả năng quan niệm của hai người không
giống nhau và đôi khi còn trái ngược. Vì thế cần phải giải mã câu nói “I
love you” mà người ấy nói với bạn bởi từ
yêu trong ngôn ngữ của người ấy không
hẳn đồng nghĩa mà đôi khi còn trái ngược với từ yêu mà bạn nghĩ. Chính
vì thế sự khôn ngoan đòi hỏi trước khi đi đến quyết định cuối cùng phải thật sự
hỏi mình và hỏi nhau yêu là gì và chúng ta có yêu nhau đích thật không? Và cần
phải có đủ thời gian và sáng suốt để kiểm chứng điều đó qua cách thức xử sự với
nhau trong quan hệ giữa hai người vì
thông thường người con gái dể bị choáng
ngợp trước lời tỏ tình này của người con trai. Sẽ thật nguy hiểm nếu người con gái thuộc típ lụy tình cảm và phải lòng
chàng trai trong khi chàng trai lại là một gã hào hoa chuyên tán gái. Con trai
thì gần như hiếm khi cần người yêu của mình nói với mình điều đó mà đúng hơn cần thấy
người yêu của mình chấp nhận tình yêu của mình (bật đèn
xanh) trừ khi có sự hồ nghi, không rõ
ràng.
Có thể bước vào hôn nhân
không có tình yêu không?
Xưa kia, đa phần cha ông
chúng ta lấy nhau mà không có tình yêu trước. Dù trước đây có những cuộc hôn
nhân không mấy hạnh phúc nhưng đa số đều bền chặt vì cơ chế đạo đức xã hội lúc
bấy giờ còn chặt chẽ và tình nghĩa vợ chồng được coi trọng Còn trong hiện trạng
xã hội ngày nay bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chủ nghĩa duy vật, tục hóa, chủ nghĩa
cá nhân, duy hưởng thụ nền văn hóa sự chết như kiểu nói của Đức Giáo hoàng
Gioan Phaolô II, thật là phiêu lưu khi tiến đến hôn nhân mà không có tình yêu,
nhất là khi bản thân người ấy chưa trưởng thành về mặt tâm lý và tâm linh, bị
thúc ép bởi một động lực không rõ ràng, hay trần tục. Nguy hiểm chỉ thực sự
bùng nổ sau khi lập gia đình nhất là khi mục đích đeo đuổi khi tiến đến hôn
nhân không đạt được như ý trong khi con tim vẫn còn vướng bận bởi những giây nhợ
trong quá khứ và/ hay con tim vẫn tiếp tục tìm kiếm, rung động, vì chưa có bến
đậu, trước những hình bóng hấp dẫn gặp đây đó được trong hiện tại hay tương
lai. Điều này có thể là khởi đầu của những cám dỗ ngoại tình, có thể dẩn đến
nguy cơ ngoại tình ít ra là trong tư tưởng. Và ban sẽ gây ra đau khổ cho người
bạn đời của bạn và con cái, là những người hoàn toàn vô tội, nạn nhân đáng
thương của sự sai lầm tai hại của bạn, và ngay cả cho chính bản thân bạn. Một
người còn có ít nhiều lương tâm, và nhất là lương tâm Kitô giáo, không thể nào
có được sự bình an và niềm vui khi sống trong tình trạng ngoại tình cho dù chỉ
là trong tư tưởng.
Bạn vẫn có thể đi vào hôn
nhân không có tình yêu nếu bạn thích phiêu lưu nhưng với điều kiện bạn phải thực
sự muốn yêu người ấy và có một quan niệm nghiêm chỉnh về hôn nhân về Bí tích hôn nhân, ít ra bạn phải
có ý chí đủ mạnh để hướng con tim bạn về người bạn đời của bạn mà thôi chứ
không bao giờ cho phép nó được hướng đến đối tượng nào khác. Điều đó hoàn toàn
rất khó thưc hiện, nếu không muốn nói là không thể được trong thế giới của văn
hóa sự chết ngày nay, nhất là đối với phụ nữ, vốn bản tính sống theo tình cảm.
Phải chuẩn bị cho đời sống
hôn nhân gia đình từ khi nào?
Chuẩn bị xa. Nếu là cha mẹ
bạn phải chuẩn bị cho con mình ít ra là từ khi chào đời. Còn bản thân mình phải
chuẩn bị từ tuổi có ý thức. Vì bạn sẽ tiến đến hôn nhân gia đình bằng cả con
người của mình với những thói quen luyện tập, hành trang sức khỏe thể xác tinh
thần, kiến thức, đạo đức do cha mẹ và chính bản thân bạn vun đắp và tất cả những
điều đó góp phần quyết định đối với hạnh phúc và sức khỏe của đời sống hôn nhân
gia đình của bạn.
Chuẩn bị gần. Khi bạn có ý
định lập gia đình, đã có đối tượng rõ ràng, việc chuẩn bị lúc này trở nên tối cần
thiết. Về mặt vật chất, bạn phải cùng nhau xác định thống nhất về chổ ở, mái ấm
tương lai, Một góc riêng tư tuy thiếu tiện nghi vẫn hơn là một không gian tiện
nghi nhưng lại chung với gia đình cha mẹ của hai bạn. Kế đến tốt nhất là có một
nghề nghiệp ổn định, hoặc ít ra phải chuẩn bị sẳn tay nghề với một định hướng
nghề nghiệp rõ ràng. Một khoảng tiền tiết kiệm cho những chi tiêu của tuần
trăng mật và những sắm sửa ban đầu. Về mặt quan hệ, không thể tách rời hạnh
phúc riêng tư ra khỏi hạnh phúc cộng đồng. Làm sao để gia đình hai bên trai gái
được tốt đẹp, gắn bó, ít ra là quan hệ giữa gia đình hai bên với hai bạn. Làm
sao để làm cho cha mẹ bạn có thiện cảm tốt đẹp với người bạn đời của bạn, nhất là nếu người con gái về
nhà chồng thì làm sao, để gia đình chồng nhìn nhận, đón tiếp, cảm thông với
con/ chị/ em dâu. Việc chuẩn bị trở nên vô cùng quan trọng vì mục đích đã được
xác định rõ ràng/ Bạn cần được chuẩn bị một hành trang có tính hệ thống, liên
quan trực tiếp đến đời sống hôn nhân gia đình.
Chuẩn bị cấp tốc. Khi bạn
lên ngày cưới, việc chuẩn bị trở nên cấp bách. Chuẩn bị về mặt thể xác, tinh thần,
tâm lý, thiêng liêng.
Làm thế nào để chuẩn bị cho
đời sống hôn nhân gia đình?
Bằng học hỏi qua trường lớp,
lớp vào đời, lớp chuẩn bị HN, qua chuyên viên, sách vở báo chí, bằng cách lắng
nghe kinh nghiệm của những người đã lập gia đình khôn ngoan chín chắn, những mục
tử kinh nghiệm.
Bằng cách vun trồng nhân đức,
luyện tập các nhân đức, đặc biệt, hiền lành, khiêm tốn, nhẫn nại, từ tâm, ôn
hòa, bao dung, tha thứ chịu đựng lẫn nhau… qua việc cầu nguyện, đọc, suy niệm Lời
Chúa, tham dự các Bí tích, sống Lời Chúa, cụ thể bằng chính những bài tập quên
mình, phục vụ hiến thân hằng ngày.