Ads

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

SỐNG CHẾT CÓ NHAU


Câu chuyện mở đầu.
Gần nửa đêm 15.04.1912, chiếc tàu Titanic của hãng White Star (Anh quốc), một con tàu tối tân, sang trọng và vĩ đại nhất thế giới thời đó, trong chuyến du hành đầu tiên từ Anh sang Mỹ, đã va phải băng sơn và chìm sâu 4000 mét dưới lòng đại dương.

Tàu Titanic chứa 1524 hành khách và một thủy thủ đoàn gồm 700 người. Khi tai nạn xảy ra, người ta khẩn cấp hạ các thuyền cấp cứu xuống và chỉ dành ưu tiên cho đàn bà và con trẻ, bất cứ một người đàn ông nào tranh giành sẽ bị bắn bỏ.

Người ta không quên nhắc tới một bà chủ tiệm buôn lớn ở New York luôn đứng nép bên chồng, bà nhường quyền ưu tiên cho các chị em khác. Khi tới lượt bà, bà không muốn chia lìa chồng trong lúc nguy cấp này, dù ông luôn đẩy bà tới. “Sống chết có nhau” đó là châm ngôn của bà.

Vì số thuyền cứu hộ chỉ đủ chỗ cho 700 người, cặp vợ chồng này đã chung phận với số còn lại (1500) cùng chết chìm với con tàu sau 4 giờ hấp hối.

I. Một xương một thịt:
Sở dĩ người đàn bà này luôn khăng khít với chồng, sống chết có nhau vì bà đã nhớ tới lời Chúa đã phán trong sách Sáng thế:
“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt” (St 10,6-8).

II. Bên nhau:
Qua câu chuyện trên, ta phân biệt: không được cố ý chết theo nhau vì Chúa mới là chủ mạng sống, không ai được tự ý hủy hoại mạng sống mình, nhưng sẵn sàng hy sinh vì nhau, sẵn sàng chấp nhận những hiểm nguy, kể cả cái chết xảy đến ngoài ý muốn, thì đó là tình yêu lớn lao và cao cả như Chúa dạy: Không có tình yêu nào lớn hơn là tình yêu của kẻ dám thí mạng sống vì người mình yêu: (Ga 15,16).

Chúng ta cũng đã có gương thánh Maximianô Kolbê. Trong trại tập trung của Đức quốc xã, mười tù nhân phải chết thay cho một tù nhân khác đã vượt ngục. Trong số mười tù nhân này phải đem đi xử bắn, có một trung úy trẻ tuổi khóc lóc thảm thiết vì nhớ đến số phận người vợ trẻ và mấy đứa con thân yêu đã khóc lóc nức nở. Trước cảnh tượng thương tâm đó, cha Maximilianô Kolbê đã xin chết thay cho anh trung úy này. Ngài đã chết thay cho người khác. Ngày nay Hội thánh đã đặt ngài trên bàn thờ cho chúng ta chiêm ngắm đức hy sinh của Ngài. Lời Chúa ở trên đã được thực hiện triệt để nơi thánh nhân.

III. Mọi lúc mọi nơi
Chia sẻ với nhau những lúc thịnh vượng mạnh khỏe thì rất dễ, nhưng chia sẻ khi bĩ cực, khi tàn phế thì rất khó, nhất là lâu ngày lâu tháng hoặc chẳng còn hy vọng thoát khỏi cảnh bi đát, thì phải có một ý chí kiên cường mới có thể trung thành yêu thương phục vụ nhau. Trong cuộc sống hằng ngày, ta đã được chứng kiến những cảnh gia đình tàn tật, chồng hoặc vợ kiên trì nuôi sống nhau, nâng đỡ nhau, trung thành với nhau cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng cũng không thiếu những cảnh trớ trêu của nhân tình thế thái, người ta nói mỉa mai:
                                      Khi vui thì vỗ tay vào,
                                 Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai?
                                                (Ca dao)
IV. Phải đề phòng:
Đôi bạn trẻ lấy nhau thì chỉ nghĩ đến vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn của đời hôn nhân, chỉ nghĩ đến bông hoa hồng đầy hương sắc mà ít khi nghĩ đến những chiếc gai nhọn sẵn sàng đâm vào tay vì hoa hồng nào mà chẳng có gai?

Các bạn trẻ nghĩ thế nào về câu nói của nhà hiền triết Hy lạp, ông Socccrates: “Những thanh niên đi tìm hôn nhân có khác nào những con cá đậu trước đầu lờ... Tất cả đều hăm hở mà chui vào, trong khi đó không biết bao nhiêu kẻ đang vẫy vùng một cách tuyệt vọng để thoát ra”?

Ca dao Việt nam cũng có một câu tương tự như thế chứng tỏ tư tưởng của Đông Tây đều gặp nhau trên phương diện này:
                                      Cá trong lờ đỏ lơ con mắt,
                                      Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô,
                                      Đời vợ chồng sớm nắng chiều mưa.
                                                (Ca dao).
Có khi nào các bạn nghĩ đến những trắc trở trong gia đình, những cảnh éo le khó giải quyết, khi xảy ra cảnh “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” không, để rồi bị cám dỗ giải quyết một cách dại dột, đáng trách:
                                      Xin chia tay! và nếu là mãi mãi
                                      Thêm một lần, xin mãi mãi chia tay.
                                                   (Huy Thông)
V. Hạ quyết tâm:
Phải nhắc đi nhắc lại lời hứa khi cử hành bí tích hôn phối: ”Và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời mình”. Phải coi vợ chồng như hình với bóng, không bao giờ được chia lìa nhau bất cứ vì lý do gì.
                                      Đi đâu cho thiếp đi cùng,
                             Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
                                                (Ca dao)
Trong đời hôn nhân, cần phải có tình yêu vì “Hôn nhân không có tình yêu là một ngày thiếu rạng đông” (Alphhonse Karr), nhưng tình yêu cũng phải trả bằng giá đắt: ”Tình yêu đòi hỏi ở chúng ta nhiều chịu đựng gian lao và thử thách” (Thomas Champion).
Kết luận:
Lý tưởng thì rất đẹp, nhưng sống theo lý tưởng không luôn dễ. Do đó, ta cần có sự trợ lực của Chúa qua bí tích Hôn nhân mà đôi bạn trẻ đã sốt sắng chuẩn bị kỹ lưỡng; đồng thời phải sống bí tích này qua cuộc sống chung và qua lời cầu nguyện chung, riêng trong gia đình hằng ngày. “Ai tin tưởng vào Chúa sẽ không hề thất vọng” (Tv 24,3).
Lm Giuse Đinh lập Liễm