Có hai ông bà cụ nọ đã sống
với nhau hơn 60 năm. Họ chia xẻ ngọt bùi, đủ mọi thứ. Duy chỉ có cái hôp đựng
giầy mà bà cụ để ở dưới gầm tủ là ông cụ không hề biết trong đó
đựng cái gì. Và cũng tôn trọng riêng tư của bà, ông chẳng bao giờ hỏi tới cái hộp đó.
Năm này qua năm nọ, một ngày kia cụ bà bổng bệnh
nặng. Biết vợ mình không qua khỏi, cụ ông chợt nhớ tới cái hộp giày bí mật. Bèn lấy đem đến bên giường
cụ bà, cụ bà cũng đồng ý cho ông mở cái
hộp ra.
Khi chiếc hộp được mở ra, bên trong chỉ vỏn vẹn có hai con búp bê bằng len nhỏ va một số tiền
là 95.500 đô. Ông cụ ngạc nhiên hỏi vợ: "Thế này là sao?".
"Khi chúng ta mới lấy nhau", cụ bà
nói: "Bà nội của em có dặn em rằng: Bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình là
đừng bao giờ cãi nhau. Nếu lỡ chồng con có làm
điều gì khiến con bực mình, tức
giận. Con nên im lặng và bình tỉnh, đi ra chỗ khác lấy len đan một con búp bê nha con". Và
anh thấy đó...
Nghe thế, Cụ ông không cầm được nước mắt. Cả suốt cuộc đời, sống
chung với nhau người vợ thân yêu của
mình chỉ giận mình chỉ có hai lần thôi ư? Ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
"Và còn món tiền lớn nay thì sao?"
Ông cụ hỏi.
Cụ bà mắt đỏ hoe trả lời:". Và đó là..
số tiền em đã bán những con búp bê mà em
đã đan.."
Câu chuyện có một kết thúc
bất ngờ đầy thú vị. Nó khiến người đọc mỉm cười nhưng dư âm của nụ cười là một
sự cảm động sâu sắc. Số tiền khá lớn thu được từ việc bán những con búp bê cũng
chính là số lần những nhịn nhục âm thầm mà người vợ phải chịu trong suốt thời
gian chung sống với chồng mình. Người vợ đã cho chúng ta một gương sống yêu
thương và nhẫn nhịn chịu đựng những lầm lỗi của người chồng. Bà ta tìm một lối
thoát rất tích cực mỗi khi người chồng làm mình bực mình, tức giận, tránh những
cãi vã tranh chấp có thể gây mất hạnh phúc cho gia đình đó là lấy len ra ngồi
đan búp bê. Một việc làm xem ra rất bình thường, rất đơn giản nhưng với một
tình yêu sâu sắc, sự cảm thông, chấp nhận những bất toàn của người chồng trong
yêu thương, hành động đó đã trở nên một phương cách hữu hiệu trong việc gìn giữ
hòa khí trong gia đình. Sự nhẫn nhịn đó thực sự là kết quả của một tình yêu rất
mạnh mẽ và khả năng chiến thắng cảm xúc nóng giận của bản thân rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, đa số mỗi người
trong chúng ta lại là hình ảnh của người chồng, tức là chúng ta cứ vô tình gây
khổ, làm đau lòng người thân của mình mà không hề hay biết.
Khi một cặp vợ chồng khủng
hoảng về tình cảm đưa nhau tới văn phòng tư vấn hôn nhân của Williams Harley ở
Mỹ, ông thường tách họ ra hai phòng khác nhau và yêu cầu mỗi người trả lời trên
giấy câu hỏi sau đây: "Người bạn đời của bạn có thể làm cho bạn điều gì
thì bạn hạnh phúc?”. Ông thường nhận được câu trả lời đó là sự quan tâm chăm
sóc cho nhau. Nếu người chồng thực sự quan tâm đến cảm xúc của vợ mình sẽ nhận
ra sự nhẫn nhịn âm thầm của bà ta ngay trong thời gian còn chung sống, chứ
không phải chỉ phát hiện ra điều ấy khi người vợ sắp qua đời. Có phải đã quá muộn
màng khi ông hiểu ra sự hy sinh của người vợ trong việc chấp nhận những tật xấu
của mình để bảo vệ hạnh phúc gia đình từ bao nhiêu năm qua? Có phải đã quá trễ
để có thể chăm sóc vợ mình thật nhiều như để bù lại sự vô tâm mà mình đã gây
ra?
Câu chuyện cũng cho một ý
nghĩa tích cực khác trong việc thể hiện tình yêu đó là mỗi người trong chúng ta
phải được mạnh dạn trình bày, chia sẻ những suy nghĩ, ước muốn và tình cảm thực
sự của bản thân với người mình yêu. Đây mới là đỉnh điểm tuyệt vời của tình
yêu. Một tình yêu đích thực sẽ dẫn đến thái độ quan tâm và tôn trọng lẫn nhau.
Đó không chỉ là điều kiện cần nhưng còn là điều kiện đủ của tình yêu. Không thể
nói tôi vẫn yêu thương người khác nhưng lại không có sự quan tâm và tôn trọng họ. Nhưng yêu thương và tôn trọng nhau không chỉ
dừng ở mức độ chấp nhận hy sinh, âm thầm gánh chịu những thiệt thòi về phía
mình. Ngược lại, một tình yêu đích thực sẽ mang một ý nghĩa rất tích cực đó là
tâm tình sẵn sàng đón nhận mọi cảm xúc, mọi ý kiến khác biệt của nhau để có sự
quan tâm đúng đắn. Nếu người vợ có thể thành thật chia sẻ những điều mình chưa
đồng ý về tính cách hay lỗi lầm của người chồng thì chắc chắn số tiền bán búp
bê đã không tăng cao như thế. Và, trong một tình yêu được triển nở một cách tự
do như vậy, người chồng cũng sẽ khiêm tốn nhìn nhận lại những thiếu sót, những
lầm lỗi và sửa đổi với một thái độ tích cực và nhờ đó cả hai đều tìm thấy niềm
vui, hạnh phúc trong cuộc sống thay vì người vợ cứ mãi loay hoay trong một định
kiến về sự hy sinh và trách nhiệm tình yêu đối với chồng của mình. Bà ta đã gìn
giữ được sự an bình trong gia đình, tuy nhiên, cái giá bà phải trả đó là những
nỗi niềm canh cánh riêng mang. Và trong nhiều trường hợp, đây chính là những
tác nhân bào mòn tình yêu và hạnh phúc đích thực trong gia đình .
Hôm nay giáo hội mừng kính
thánh nữ Monica. Một người phụ nữ với vai trò làm vợ, làm mẹ như bao nhiêu người
phụ nữ khác trong gia đình nhưng đã làm rạng danh Tin mừng của Chúa. Chỉ với
lòng kiên trì tín thác vào Chúa bằng lời cầu nguyện chan hòa cùng nước mắt
trong suốt mười tám năm, thánh nữ đã biến
đổi người mẹ chồng hà khắc, cay nghiệt và người chồng thô lỗ, cộc cằn thành
chiên ngoan và thành thánh. Đặt biệt là Augustinô, đứa con ngỗ nghịch hoang
đàng đã biết ăn năn làm lại cuộc đời, trở thành vị thánh, tiến sĩ lừng danh của
Giáo Hội.
Xã hôi ngày nay tuy có nhiều
thay đổi tích cực về vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã
hôi , thế nhưng vẫn còn đó rất nhiều người phụ nữ phải gánh trên đôi vai yếu đuối
của mình gánh nặng của hai chữ “chồng con”. Nhờ Ơn Chúa và với những hy sinh,
âm thầm lặng lẽ họ cũng sẽ lại góp thành những bông hoa rực rỡ, muôn màu muôn sắc
khoe xinh, cho nhân loại và cho Giáo Hội hôm nay. Trong cuốn Tự Thuật, thánh
Augustino có thổ lộ rằng: Tôi được cứu thoát là nhờ những giọt nước mắt mà
người mẹ đầy lòng tin tưởng của tôi đã hàng ngày đổ ra cho tôi? (Ơn bền đỗ 20,
53). Vì thế cách tích cực nhất là xin
Chúa cho những người chồng, người con có một tình yêu rộng mở, một trái tim nhạy
cảm, biết quan tâm đến những xúc cảm vui buồn của họ. Để khi người mẹ, người vợ
không còn sống trên cõi đời này, đừng có người chồng, người con nào phải sống
trong nỗi ân hận, tiếc nuối vì đã sống một cách vô tình trước những nỗi đau buồn
của những người đã một đời tận tụy yêu thương mình.
Điền Phương Thảo