(VTC News) - Người ta tin rằng
Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đã sống những ngày cuối đời tại một ngôi nhà nhỏ gần
thành phố cổ Ephesus, phía Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngôi nhà này sau đó trở nên
rất linh thiêng, thậm chí là có quyền năng giúp người ta hoàn thành ước nguyện.
Câu chuyện bắt đầu từ những
truyền thuyết về việc Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cùng với gia đình đã chuyển đến
sinh sống tại khu vực ngoại vi của một thành phố lớn trong những năm cuối đời.
Dựa vào những đặc điểm được
mô tả của thành phố trong truyền thuyết, người ta đoán rằng đó chính là thành cổ
Ephesus, dù không có bất cứ tài liệu nào ghi chép về điều này.
Những lời đồn đoán càng rộ
lên vào đầu thế kỷ 19 với sự kiện một nữ tu sỹ tên là Anna Katherina Emmerich
(1774-1820) sống lại sau cơn thập tử nhất sinh và kể về những điều huyền bí.
Năm 1811, nữ tu sỹ
Emmerich, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa, ốm liệt giường
trong một tu viện nhỏ ở Đức. Giữa cơn mê sảng, bà bắt đầu nghe thấy những tiếng
nói, những hình ảnh vừa xa xăm lại vừa sống động. Những câu chuyện kể rất chi
tiết về cuộc đời của Chúa Jesus, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và chuyến di cư của
Người từ hàng ngàn năm trước.
Người ta kể lại rằng lúc đó
nữ tu sỹ đã cực kỳ ốm yếu. Bà nằm trên giường cầu nguyện với hai cánh tay giang
rộng. Rồi đột nhiên bà lên cơn sốt và co giật, sắc mặt đỏ gay.
Ngay sau đó, một luồng ánh
sáng từ trên cao chiếu xuống cơ thể bà. Khi nó rọi đến hai bàn tay của người tu
sỹ, bàn tay bà chợt dính đầy máu như thể vừa bị đóng bằng đinh câu rút.
Những người chứng kiến đã cực
kỳ kinh ngạc và sợ hãi. Cứ y như là Emmerich vừa nếm trải nỗi đau bị hành xác của
chúa Jesus. Các bác sỹ cũng không thể giải thích được bằng y học.
Nữ tu sỹ sau đó đã hồi tỉnh
lại, tuy vẫn nằm liệt giường nhưng tinh thần lại sáng suốt lạ kỳ. Bà bắt đầu kể
những câu chuyện về Đức Mẹ Đồng Trinh mà bản thân vừa trải nghiệm. Những câu
chuyện được một nhà văn có tên là Clemens Brentano ghi lại, trước khi Emmerich
mất ý thức hoàn toàn chỉ sau đó vài tháng. Bà mất tại tu viện vào năm 1820.
Emmerich đã nhìn thấy rõ
ràng cảnh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria rời khỏi Jerusalem cùng với thánh John trước
khi những cuộc vây bắt tín đồ Thiên Chúa Giáo trở nên tồi tệ. Họ đã đến
Ephesus.
Người nữ tu sỹ ốm yếu cũng
trông thấy ngôi nhà mà gia đình Đức Mẹ Đồng Trinh sinh sống: một ngôi nhà bằng
đá do Thánh John tự tay xây dựng. Ngôi nhà khá nhỏ nằm trên đỉnh một ngọn đồi,
hình chữ nhật và có hàng rào bao quanh.
Trong ngôi nhà cũng có một
căn buồng nhỏ nằm kề bên khe suối. Giữa căn buồng còn có lò sưởi. Đây chính là
nơi mà Đức Mẹ nghỉ ngơi và sinh hoạt hằng ngày.
Theo những gì mà Emmerich kể
lại, sau khi sinh sống tại vùng đất mới được chừng 3 năm, Mẹ Maria ngày càng tha
thiết muốn trở về quê nhà ở Jerusalem, do đó mà Thánh John và Thánh Peter đã
đưa bà quay trở lại.
Chuyến hành hương vất vả đã
khiến cho Đức Mẹ trở nên ốm yếu. Bà gầy xọp đi nhanh chóng và tất cả mọi người
đều cho rằng sẽ không thể nào qua khỏi. Họ bắt đầu chuẩn bị một ngôi mộ cho bà.
Thế nhưng khi ngôi mộ được
hoàn thành thì cũng chính là lúc Đức Mẹ dần dần hồi phục. Bà quyết định lại
chuyển đến Ephesus. Cuộc hành trình, một lần nữa, lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến
sức khỏe của Người. Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cuối cùng đã chết tại ngôi nhà mới,
lúc đó bà 64 tuổi.
Các vị Thánh tông đồ đã tiến
hành khâm liệm và làm lễ tang cho bà. Họ quàn thi thể Đức Mẹ vào một cỗ quan
tài được chuẩn bị đặc biệt, sau đó đem quan tài đặt trong một hang động cách
ngôi nhà chừng vài cây số.
Emmerich thậm chí còn trông
thấy cảnh Thánh Thomas khóc thảm thiết vì không thể đến kịp đám tang. Những
tông đồ khác chứng kiến Thomas quá đau buồn đã phải để cho ông trực tiếp vào
trong hang mộ hành lễ.
Nữ tu sỹ kể lại: “Khi đến
trước cửa hang, mọi người đều phủ phục xuống. Thomas và các tín hữu nôn nóng tiến
về phía cửa. Thánh John theo sau họ. Hai vị tông đồ vạch những bụi cây chắn lối
vào hang và quỳ xuống. Thánh John đến bên quan tài và mở nắp. Trong sự kinh ngạc
của mọi người, tấm vải liệm vẫn y nguyên nhưng thi hài của Đức Mẹ không còn!”.
Sau sự kiện huyền bí đó, miệng
hang quàn thi hài của Đức Mẹ được bít lại vĩnh viễn, còn ngôi nhà nhỏ trở thành
nhà nguyện của các tông đồ.
Những câu chuyện của
Emmerich sau đó đã được nhà văn Brentano viết lại thành cuốn sách nổi tiếng “Cuộc
đời của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria” xuất bản vào giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên vào thời
điểm đó vẫn chưa ai có thể xác định được ngôi nhà của Đức Mẹ còn tồn tại hay
không.
Năm 1881, một mục sư người
Pháp tên là Julien Gouyet, sau khi đọc sách của Brentano đã quyết định đi đến
khu vực thành phố Cổ Ephesus để tìm hiểu về những điều được kể trong câu chuyện.
Ông đã gặp Tổng giám mục đương thời của địa phương là Monseigneur Timoni để
trình bày ý tưởng và được vị này cho người giúp đỡ.
Sau một thời gian dài nỗ lực
tìm kiếm không biết mệt mỏi, cuối cùng Gouyet đã tìm thấy một ngôi nhà cổ mà
ông tin rằng nó từng là nơi sinh sống của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Ngôi nhà nằm
trên một ngọn núi nhìn ra biển Aegean và những tàn tích của thành cổ Ephesus.
Gouyet hào hứng gửi các báo
cáo liên quan lên Tòa Giám mục Paris và thậm chí là đến Rome. Tuy nhiên, trái với
sự mong đợi và kỳ vọng, công trình của ông đã không nhận được sự chú ý và quan
tâm nào đáng kể.
Mãi cho đến mười năm sau,
vào năm 1891, hai vị linh mục khác là Cha Poulin và Cha Jung đọc được những tài
liệu liên quan đến cái chết của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria tại Ephesus. Họ quyết định
thành lập một nhóm nghiên cứu dưới sự bảo trợ của nữ tu sỹ Marie de
Mandat-Grancey để xem xét lại địa điểm mà Gouyet đã nêu.
Dựa vào những ghi chép mà
Gouyet để lại, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích của ngôi nhà vào ngày
29/7/1891. Tình trạng của ngôi nhà lúc đó chỉ còn lại những bức tường bằng đá
rêu phong, phần mái đã bị hủy hoại hoàn toàn. Tuy nhiên, giữa những đống đổ nát,
họ tìm thấy một bức tượng Đức Mẹ vẫn đứng với một bàn tay bị vỡ.
Không một nơi nào khác
trong khu vực có cảnh quan phù hợp với những mô tả trong truyền thuyết như vậy.
Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng được biết rằng phế tích vừa tìm thấy đã được người
dân địa phương tôn kính từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ gọi ngôi nhà này là
Panaya Kapulu, nghĩa là “ô cửa đến với Đức Mẹ Đồng Trinh”.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu
bắt đầu được giới chức Nhà thờ chú ý. Họ tiếp tục tiến hành các nghiên cứu mang
tính khoa học. Vị tổng giám mục của Izmir là Monseignor thậm chí còn tổ chức hẳn
một nhóm gồm bảy linh mục và năm chuyên gia để ghi chép lại và cho ra đời cuốn
sách “Lịch sử của Panaya Kaplu” vào tháng 12/1892.
Thời gian sau đó, nữ tu sỹ
Marie de Mandat-Grancey, người bảo trợ cho nhóm nghiên cứu và cũng rất tin tưởng
vào câu chuyện, đã bỏ rất nhiều công sức để có được quyền quản lý khu di tích.
Bà cũng nỗ lực hết mình để có thể trùng tu và phục dựng lại những ngôi nhà và
các công trình khác.
Quần thể di tích được phục
dựng hoàn tất vào năm 1894. Mẹ Marie được ghi nhận là người sáng lập, bà quản
lý khu di tích này cho đến khi mất vào năm 1915.
Ngày nay, Nhà của Đức Mẹ Đồng
Trinh Maria trở thành một địa điểm hành hương linh thiêng đối với tín hữu Đạo
Thiên Chúa. Ngôi nhà được phục dựng dựa trên những bức tường bằng đá cổ, trở
thành một nhà nguyện linh thiêng.
Chính giữa, ngay lối vào
nhà nguyện là căn phòng lớn nhất với bàn thờ và tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh
Maria. Phía bên phải là một căn phòng nhỏ được cho là nơi mà Đức Mẹ đã từng nằm
nghỉ. Dòng nước mà Người từng rửa ráy nay được sử dụng cho một đài phun nước
bên ngoài.
Đáng chú ý hơn cả chính là
“Bức tường ước” nằm ngay bên ngoài nhà nguyện. Khách hành hương có thể ghi những
điều mong muốn vào giấy hay là một mảnh vải sạch rồi treo lên bức tường. Người
ta tin rằng quyền năng của Đức Mẹ có thể giúp họ hoàn thành điều ước.
Ngoài ra họ cũng rất tin tưởng
rằng việc uống nước lấy từ những suối khe trong khu vực, nơi mà Đức Mẹ Đồng
Trinh sử dụng từ hàng ngàn năm trước, có tác dụng điều trị bệnh thần kỳ, hay
chí ít cũng mang lại sức khỏe cho bản thân.
Giáo Hội Công giáo Roma
chưa bao giờ tuyên bố về tính xác thực của khu di tích do chưa có chứng cứ khoa
học nào đáng kể. Tuy nhiên có thể thấy họ cũng coi trọng Nhà của Đức Mẹ Đồng
Trinh không kém gì các tín đồ mà bằng chứng là rất nhiều những cuộc hành hương
thăm viếng của các vị Giáo Hoàng.
Chuyến thăm đầu tiên là của
Giáo Hoàng Leo XIII vào năm 1896, chỉ 2 năm sau khi nơi này được trùng tu. Tiếp
đó là lần lượt các cuộc hành hương ban phước của Giáo Hoàng Pius XII (1951),
Giáo Hoàng Paul VI (1967), Giáo Hoàng John Paul II (1979) hay gần đây nhất là Giáo
Hoàng Benedict XVI vào ngày 29/11/2006.
Câu chuyện về Ngôi nhà của
Đức Mẹ Đồng Trinh hiện vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi, và có lẽ cũng chẳng ai
dám chắc rằng là đúng hay sai.
Tuy nhiên, giữa một thế giới
hiện đại ngày càng rối ren phức tạp, sự hiện diện của nơi đây vẫn có thể giúp
cho con người ta nhớ về những điều thánh thiện và trong sáng nhất. Điều đó thiết
nghĩ còn có giá trị hơn rất nhiều so với những sự đúng - sai!