Chỉ có một cái miệng.
Chúng ta được sinh ra với
đôi mắt nằm phía trước để luôn nhìn sự việc đang diễn ra thay vì cứ ngoái nhìn
lại những điều đã qua.
|
* Chúng ta được sinh ra với
đôi tai, một bên trái và một bên phải, để có thể nghe cả hai phía, để nghe đủ
những lời ca tụng cũng như những lời phê bình, để phân biệt đúng, sai.
* Chúng ta được sinh ra với một
bộ óc nằm dưới hộp sọ, cho dù có nghèo đi chăng nữa chúng ta vẫn luôn giàu có
vì chẳng ai lấy cắp được, bộ óc sản sinh ra nhiều suy nghĩ và ý tưởng độc đáo.
* Chúng ta được sinh ra với
đôi vai nối liền đôi tay để gánh vác những nhiệm vụ, trọng trách. Hơn nữa, một
để giúp đỡ bản thân, một để giúp người khác. Chúng ta được sinh ra với một đôi
chân dài và lớn để đi nhiều nơi, để mắt được quan sát, để não được mở rộng.
Nhưng chúng ta chỉ được
sinh ra với một cái miệng, vì miệng là vũ khí sắc bén. Nó có thể làm tổn
thương, làm đau lòng hay giết chết kẻ khác.
* Hãy ghi nhớ câu nói: Nói ít, nhìn
xem và lắng nghe nhiều.
Sống cùng một mái nhà, nhiều
năm tháng bên nhau, có khi vài chục, hay bốn, năm chục năm liền; phải chăng vì
quá gần nhau, làm cho chúng ta nghĩ rằng mình biết nhau quá.
Chúng ta có cảm tưởng là
mình thuộc lòng nhau, nên dần dà đã mất đi độ nhạy cảm, mất đi sự tôn trọng, bớt
đi sự thận trọng, từ đó có thể trở nên bừa bãi trong cách ăn nói, làm xúc phạm,
tổn thương nhau, gây nên buồn đau, xa cách… Dường như trong đời sống gia đình,
cũng như đời sống tập thể, ngôn từ có thể là vũ khí dễ dùng và dễ bị lạm dụng
chăng?
Có khi nào chúng ta nghĩ
cách làm sao cho những lời của chúng ta trao nhau có thể đem lại sự khai thông,
làm cho nét mặt người thân hay anh chị em thêm rạng rỡ, ánh mắt thêm niềm tin,
và con tim thêm an bình?
* Những lời nói thật
- Tình cảm – ai cũng quý
yêu tấm chân tình. Dù tình yêu, tình bạn hay tình làng nghĩa xóm, tình đồng
nghiệp hay đồng chí… nếu không thật lòng, làm sao có được những cuộc gặp gỡ sâu
xa, những trao đổi cởi mở. Nếu không có chân tình, các mối tương quan chẳng
khác gì các hình nộm bên nhau, vô cảm, trống rỗng và xa lạ!
Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến
lời thật. Giáo Hội, gia đình, và nhất là Lời Chúa luôn dạy chúng ta, ăn ở thật
thà, làm ngay nói thẳng: “Có thì nói có, không thì nói không”.
* Những lời nói xây dựng
Có những món quà trong đời
quý giá hơn vàng bạc, châu báu, đó là những lời làm ấm lòng, lời tăng sinh lực,
lời xua tan bóng tối mây mù. Những lời được trao tặng đúng lúc người khác đang
cần, những lời đó có ý nghĩa, giá trị và tối cần cho đời người biết bao!
Trong cuộc sống, người ta
trao nhau những món quà để tỏ tình thân, lòng quý mến nhau. Có những món quà vô
giá mà tiền của không mua, không đổi được, và chỉ những người thân thiết, thật
tình với nhau mới dám trao nhau, đó là những lời khuyên hay những lời chia sẻ
tâm tình. “Người giàu tặng của, người thân tặng lời”
Không phải ai cũng nhận được
những lời chân thành và hữu ích từ người khác; vì thế lời hay, lời lành là món
quà quý hiếm đối với những ai đang thật sự cần. Nhưng đồng thời với những người
không sáng suốt và mà lại có quyền, thì những kẻ nói thẳng rất dễ lụy đến thân.
Đời là thế đấy!
Câu nói nổi tiếng của
Somerset Maugham: “Phải thận trọng lời nói. Người ta có đủ thời gian để lựa lời,
nhưng không có cơ hội để rút lại. Lời nói là vũ khí rất nguy hiểm mà người ta
có thể vận dụng, hãy dùng nó với sự thận trọng”.
* Những lời nói khích lệ
Lời khuyến khích sẽ xua đi
những khó khăn phiền muộn và lo âu. Lời cảm thông sẽ làm cho con người xích lại
gần nhau, hàn gắn lại những con tim tan vỡ. Lời yêu thương sẽ kiến tạo một thế
giới hoà bình. Nhưng đau đớn thay, tình người hay bác ái thường dễ bị đổ vỡ bởi
những lời tiêu cực. Có lẽ nhiều tội lỗi chúng ta thường xuyên phạm đến đời sống
bác ái, là qua lời nói… Những lời đã làm tổn thương tha nhân. Để tránh những điều
hại hay làm đau lòng nhau, những người khôn ngoan luôn dạy chúng ta càng nói ít
càng tốt, thánh Giacôbê đã dạy: “Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy
là người hoàn hảo.” (Gc 3,2).
Thật ra, dù muốn dù không
cuộc sống chúng ta luôn cần phải dùng đến lời nói. Trao đổi, học hỏi, chia sẻ với
nhau là điều tốt, tuy nhiên, phải biết lúc nào mình nên nói và lúc nào cần phải
giữ thinh lặng. Biết thích ứng trong mọi hoàn cảnh mới là người khôn ngoan thật
sự. “Thông minh là biết cách nói hợp lý, đúng lúc cần thiết; nghe chăm chú, trả
lời dí dỏm, và ngừng nói khi cần”(Pasteur)
* Ai cũng có thể
Cho mà không sợ mất mát; nhận
mà không sợ quá tải; dùng mà không sợ bị lạm phát; trao mà không sợ bị từ chối;
thích hợp cho mọi người mọi lứa tuổi; chia sẻ càng nhiều người nhiều lần trong
những tình huống khác nhau càng tốt.
Một số trong chúng ta có lẽ
đã được trải nghiệm những sự ấm áp đó. Tuy thế, lắm lúc chúng ta đem lại cho những
anh chị em đang chung sống, hay những người mình dạy dỗ, gặp gỡ trong công việc
thường ngày những lời khuyên quá rẻ tiền, có nghĩa là như máy móc mà thiếu vắng
sự đồng cảm, hay đi vào chiều sâu của lòng người, vào cõi lòng anh chị em mình
đang đối diện. Lắm lúc chúng ta nói những lời chỉ trên môi mép như là một loại
xã giao, vuốt đuôi, không thật lòng, và thiết nghĩ, nếu lòng mình không thật,
thà đừng nói thì hơn!
|
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy – Hội Thừa Sai Việt Nam