Ads

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

TRÁNH NÓI XẤU THA NHÂN


1. Lời Chúa: “có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37)
2. Câu chuyện:
Thời Hi-lạp cổ đại, triết gia Socrates là một người nổi tiếng về sự thông thái khôn ngoan và được nhiều người ngưỡng mộ. Một hôm có một người quen đến nói thì thầm vào tai ông rằng: “Ông có biết chuyện gì mới xảy ra cho ông bạn thân của ông hay không?”. Sô-cờ-rát liền nói: “Khoan đã. Trước khi nghe ông kể câu chuyện đó, tôi muốn ông cùng với tôi xem xét để sàng lọc ba bước về câu chuyện đó đã”. Người kia hỏi lại: “Xem xét để sàng lọc ư?”. Sô-cờ-rát đáp: “Đúng vậy.
Bước sàng lọc thứ nhất là xét về sự thật: Ông có cam đoan với tôi rằng những gì ông sắp nói ra về ông bạn thân của tôi hòan toàn chính xác hay không?”. Người kia trả lời: “Không chắc lắm. Thật ra tôi chỉ được nghe người khác thuật lại mà thôi”. Sô-cờ-rát liền nói: “ Được rồi.
Bây giờ qua bước sàng lọc thứ hai là xét về thiện ý:  Điều ông sắp nói ra với tôi có phải là điều tốt đáng biểu dương không ?”. Người kia trả lời: “Không phải điều tốt, mà còn ngược lại !”. Sô-cờ-rát tiếp tục: “Như vậy là ông đang định nói một điều không tốt về người bạn thân của tôi. Nhưng ông lại không chắc điều đó có phải là sự thật hay không.
Bây giờ là bước sàng lọc cuối cùng là xét về ích lợi: Câu chuyện ông sắp nói với tôi có mang lại lợi ích gì cho tôi không?” Người kia đáp: “Không. Thực sự là không!”. Bấy giờ Sô-cờ-rát mới ôn tồn kết luận như sau: “Vậy thì những điều ông muốn nói với tôi không phải là sự thật, không phải là điều tốt đáng biểu dương, và cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho tôi. Thế thì ông nói nó ra với tôi làm chi?”.
3. Suy niệm:
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy trong cuộc sống thường ngày không được nói hành nói xấu tha nhân. Lý do có thể tóm gọn như sau: Một là hành động bất công khi lên án một người mà không cho họ bào chữa. Hai là hành động lỗi bác ái khi làm mất tình đòan kết nội bộ và động cơ dẫn đến sự nói xấu thường do ích kỷ, tự mãn và ganh ghét những người hơn mình. Ba là hành động tội ác, nếu việc nói xấu đó gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho danh dự và uy tín của người bị hại.

Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”(Mt 7,12). Ngoài ra Người cũng dạy chúng ta tôn trọng sự thật: “có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).

Có người lại đặt vấn đề: Nếu biết một người làm điều xấu mà im lặng là đồng lõa và làm cho kẻ đó ngày một lún sâu vào tội ác. Vậy trong trường hợp đó, ta nên làm gì để vừa giữ được đức bác ái, lại vừa không bao che cho tội ác? Câu trả lời đã được Tin Mừng Mát-thêu ghi lại lời Chúa dạy như sau: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngọai hay một người thu thuế” (Mt 18,15-17).
4. Thảo luận:
1) Bạn có đồng ý với ba bước sàng lọc, khi nghe những lời nói xấu về người vắng mặt của triết gia Sôcờrát không?
2) Tại sao chúng ta không nên nói ra những điều xấu của kẻ vắng mặt dù điều đó có thật?
3) Tội nói hành khác với tội vu khống thế nào? Khi nào tội vu khống biến thành trọng tội?
5. Lời cầu:
Lạy Chúa Cha từ ái. Xin dạy chúng con biết sống công bình ngay chính noi gương Đức Giêsu Con yêu của Cha. Xin cho chúng con tranh nói những điều gian dối bất công cho những người chúng con không ưa. Xin cho chúng con luôn nói lời ngay thật để xứng đáng nên con thảo của Cha và luôn làm vui lòng Cha, noi gương Chúa Giêsu là Con rất yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha.
X- Hiệp cùng Mẹ Maria. 
Đ- Xin Chúa nhậm lời chúng con.
LM ĐAN VINH