Cơm ăn, áo mặc là nhu yếu cần
thiết cho cuộc sống con người. Vì là nhu yếu không thể thiếu nên nó chi phối cuộc
sống đến độ trở thành mối lo, phiền toái chính cho mọi lứa tuổi. Giàu hay
nghèo, Đông hay Tây, nơi nào cũng có mối lo riêng liên quan tới vấn đề cơm ăn,
áo mặc.
Dân chúng nơi các quốc gia
nghèo đói mong sao cho đủ cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Ăn bữa sáng, lo bữa chiều.
Ăn no, mặc ấm là hạnh phúc rồi. Họ rất thấm Lời Chúa nói: Ngày nào có cái lo của
ngày ấy.
Quả thực, gạo chợ, nước
sông là vấn đề thực tế mỗi ngày. Ngày nào cũng lo đến miếng cơm, manh áo. Tảng
sáng thức giấc mối lo ập đến; trưa đến chưa kiếm đủ cho bữa tối càng lo hơn.
Càng về chiều niềm hy vọng nhạt dần như nắng chiều vàng úa quyện chặt gót chân.
Mệt, đói lả nhưng vẫn phải lê chân bước về nhà, túi trống, bụng không. Niềm hy
vọng cả nhà chợt tắt. Mắt nhìn nhau thông cảm. Lại một tối uống nước muối đi ngủ.
Cái đói hành hạ về đêm, đòi ngủ chung giường. Có đêm nó xuất hiện dưới cơn ác mộng
nhắc lại đói, khát. Đôi khi may mắn chiêm bao được hưởng bữa tiệc đầy cao
lương, mỹ vị. Về y phục cũng thế lo sao cho đủ ấm, đủ áo quần che thân, tránh
rét giá đông. Được như thế là hạnh phúc hơn người. Tết đến mong có áo mới, đóng
bộ chúc tuổi bà con.
Nơi các quốc gia kỹ nghệ
hóa vấn đề cơm ăn, áo mặc cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Người
ta không hài lòng với ăn no mặc đẹp. Quảng cáo tới tấp dạy người ta đua đòi,
hơn thua nhau. Không phải lo đến miếng ăn nên cần phải có tiếng. Chúng đội lốt
dưới chiêu bài kiến thức, hiểu biết về xã hội đang sống. Chúng mặc cho lớp áo
trưởng giả, giới thượng lưu. Trí thức cao hơn kẻ thất học, thượng lưu thuộc
giai cấp cao hơn. Từ lối suy nghĩ đó người ta lao đầu chạy theo quảng cáo. Làm
thế nào để ngồi ghế nhà hàng mới khai trương trước người khác. Như thế đủ hãnh
diện có kiến thức hơn người. Mặc sao phải đẹp hơn người mới đáng hàng thượng
lưu. Để thiên hạ ngồi sau ngắm lưng trần, như thế mới là có vai vế trong xã hội.
Chưa hài lòng, phải diện đúng thời trang, theo mùa, vừa trình làng. Như thế mới
đúng điệu, đi trước thiên hạ một bước. Đủ ăn, đủ mặc là một nhu cầu. Mong muốn
hơn nhu cầu là xa xỉ. Mọi xa xỉ đều phí phạm. Phí phạm đáng chê, trách.
Xa xỉ
Gọi là xa xỉ vì đó không phải
là nhu cầu mà là ước muốn. Ước muốn có cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Tuy nhiên nhiều người muốn là phải được, nên lầm lẫn ước muốn và nhu cầu là một.
Lầm lẫn chết người này là một đại họa cho nhiều gia đình. Nhà người ta cái gì
cũng mới; nhà mình toàn đồ cũ. Đây không phải là so sánh, không chạy theo thiên
hạ, không đua đòi mà giải thích là cho có với người ta. Không hơn người ít ra
cũng phải bằng người. Để thỏa mãn ý tưởng hơn người thì phải làm tăng, dài giờ
hơn. Căng thẳng, đè nén sinh ra từ đó. Rõ khổ.
Nhiều trường hợp cho thấy bề
ngoài trưng diện sang trọng, sạch sẽ, ngăn nắp nhưng lòng người thì sô bồ, bề bộn,
gian tham, mưu kế, rình rập, hằn thù, rối hơn tơ vò. Lo chạy đua để hơn người
còn giờ đâu cho đời sống nội tâm. Có chăng thì qua loa, mong cho xong sớm còn
lo việc riêng, gia đình, sinh nhai, tính kế. Một số tỏ ra hào hoa phong nhã, rộng
rãi nơi công cộng. Về nhà thì thu lại, nhỏ mọn, tính toán hơn thiệt. Dễ hiểu vì
nơi đô hội tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay tạo nên cảm giác quan trọng, hào sảng
hơn người. Đối với niềm tin còn thu nhỏ hơn nữa. Tính toán chi li, từng phút
giây cho Chúa. Không đủ giờ cho việc làm dấu đi ngủ nói chi đến đọc kinh tối.
Đây không phải là xét đoán, tò mò hay dò lòng người. Nhìn cử chỉ bên ngoài để
biết bên trong. Phản ảnh khao khát đời sống bên trong bộc lộ qua ao ước, lời
nói, cử chỉ, hành động bên ngoài.
Người giàu đời sống nội tâm
không khao khát tràng pháo tay bề ngoài. Một người có nguồn vui nội tâm không cần
bon chen, ao ước nguồn vui phù du, chóng qua, mau tàn.
Thực tế cuộc sống
Thực tế cuộc sống cho thấy
ai cũng có mối lo. Kẻ ít người nhiều. Mấy ai thoát khỏi, trừ trẻ sơ sinh. Tuy
nhiên có mối lo chi tiêu cần thiết, chính đáng. Bên cạnh đó có mối lo chi tiêu
hầu như dư thừa, hoặc ngay cả bất chính. Chi tiêu chính đáng như tiền bắt buộc
chi tiêu hàng tuần. Ngoài tiền mua thực phẩm còn nhiều thứ khác phải chi. Không
tiền nhà, tiền điện, nước, thì tiền học phí, tiền xăng, tiền thuốc, tiền điện
thoại. Thêm cả tiền bảo hiểm, quà tặng, nhà thờ, quyên góp lụt lội.
Chi tiêu thừa là chi tiêu
không cần thiết, đôi khi để thỏa mãn điều ước muốn, tệ hơn nữa là thỏa mãn dục
vọng. Chi tiêu mua vui bất chính làm cho đời thêm ưu phiền. Thực tế cho thấy
càng lệ thuộc, bám víu vào vật chất nhiều chừng nào cuộc sống càng nặng nề,
thêm đau khổ, lắm ưu phiền và nhiều âu lo. Ít khao khát, dính bén vinh quang trần
thế cuộc sống sẽ êm đềm hơn. Điều này không có nghĩa là phí phạm tài năng Chúa
ban. Sử dụng chúng để phục vụ, mang lợi ích cho xã hội và Giáo Hội là cần thiết,
rất thực tiễn.
Điều nên nhớ là nguồn hạnh
phúc thật không nhất thiết hệ tại ở bên ngoài. Lệ thuộc vào đời sống vật chất sẽ
làm nghèo, giảm sức sống đời sống nội tâm. Một tâm hồn tìm nguồn an vui nơi ân
sủng Chúa luôn sống vui tươi, hồn nhiên. Một tấm lòng khao khát đi tìm vật chất,
nguồn vui trần thế, hào nhoáng ngoài xã hội là dấu chỉ nội tâm nghèo nàn. Như
thế nguồn vui đích thực chỉ có thể tìm thấy trong Chúa, ân sủng Chúa ban.
Nguồn sống thật không đến từ
vật chất, địa vị, vô tri, vô giác. Nguồn sống thật đến từ chủ thể sống động.
Nguồn sống vĩnh cửu đến từ chủ thể vĩnh cửu. Ngoài Thiên Chúa ra không còn chủ
thể nào vĩnh cửu. Chỉ ân sủng Chúa mà thôi, hồn tôi cũng đủ thảnh thơi muôn đời.