Đời người là một hành
trình. Hành trình đó khởi đầu khi con người cất tiếng khóc chào đời cho đến
ngày đôi mắt khép lại trở về với đất bụi, nơi con người sinh ra. Trong hành
trình đó, trong cõi nhân sinh, con người luôn thay đổi để đáp ứng với cuộc sống,
với con người.
Với những ai có đức tin thì
đức tin của người đó cũng là một hành trình. Hành trình ấy cũng thay đổi với đời
sống của con người, bởi lẽ con người có lúc mạnh lúc đau yếu thì đức tin cũng
có những lúc kiên cường, và cũng có những lúc mềm lại khi gặp thử thách gian
truân. Đức tin của con người còn ví như biểu đồ hình Sin. Biểu đồ đức tin ấy có
cung độ, có trường độ và thời gian khác nhau trong đời sống của con người. Biểu
đồ ấy có cung bậc, có mức độ khác nhau tùy nơi mỗi người khi sống và biểu lộ đức
tin của mình.
Đức tin của cá nhân là như
thế, của một nhóm người, của một dân tộc cũng không đi ngoài cái biểu đồ hình
Sin.
Nhìn lại hành trình đức tin
của nhân loại, ta thấy dân tộc Do Thái - dân tộc được Thiên Chúa yêu thương
cách riêng - rõ nét nhất. Có những lúc dân được chọn đó có niềm tin mãnh liệt
là tôn thờ chỉ mình Thiên Chúa, nhưng có những lúc cũng đã bỏ Thiên Chúa của
mình để chạy theo thần này thần kia. Họ tưởng rằng thần này thần kia mới chính
là Thần đã cứu họ ra khỏi ách nô lệ và giải thoát họ. Con bò vàng trong hành
trình lịch sử cứu độ là thời điểm rõ nét nhất để ta thấy lòng tin của dân
riêng. Đức tin rớt đến chỗ tận cùng, đi xuống cái vực thẳm trống rỗng trong
lòng họ, để rồi đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ.
Hành trình đức tin của dân
được chọn đó cứ ngã lên ngã xuống theo dòng chảy của thời gian. Cứ đứng dậy đi
và rồi lại cứ té ngã. Kinh nghiệm ấy, ta bắt gặp trong suốt hành trình lịch sử
cứu độ và cho đến cả ngày hôm nay. Được một cái hay đó là Thiên Chúa mãi mãi vẫn
yêu thương chở che bao bọc dân tộc đó, con người đó dù cho dân tộc đó, con người
đó có phản loạn, có bỏ Ngài để chạy theo thần khác. Thiên Chúa mãi mãi là một
Thiên Chúa tín thành và yêu thương.
Và, chúng ta thử nhìn lại đức
tin của tổ phụ những người tin là Abraham. Tổ phụ Abraham cũng không đi khỏi
quy luật biểu đồ hình Sin đó trong đời sống đức tin của mình. Có những lúc ông
cảm thấy cuộc đời chán chường và vô vọng, có những lúc ông muốn buông xuôi tất
cả nhưng rồi với niềm tin son sắt, ông lại tiếp tục hành trình đức tin của mình
trong sự chở che quan phòng của Thiên Chúa, để rồi ông được gọi cái tên hết sức
dễ thương là "cha của những kẻ tin".
Không chỉ Abraham mà các
ngôn sứ, những người được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi để sống với Thiên
Chúa, để nói Lời Thiên Chúa cũng vậy. Cuộc đời, đức tin của các ngôn sứ, của những
người gọi là người của Thiên Chúa cũng "ba chìm bảy nổi chín lênh
đênh". Có những ngôn sứ chán chường đến độ xin Chúa cho mình chết đi cho
khỏe, đơn cử như Giôna. Giôna chán nản, yếu đuối đến độ nằm dưới cây thầu dầu
và chờ... chết. Thế nhưng, Thiên Chúa đã ban cho ông mạnh sức và ông đã tin vào
Thiên Chúa để tiếp tục hành trình đức tin của đời mình.
Một vị vua nổi tiếng mang
tên Đavit cũng không thoát được cái thân phận yếu đuối của con người. Vì ham hố,
ông đã cướp vợ của người khác và không dừng lại ở chuyện cướp mà ông còn đoạt mạng
Ugia nữa. Nhưng, sau lần phạm tày đình đó, ông đã ăn năn hối lỗi và Thiên Chúa
đã tha thứ lỗi lầm cho ông.
Cựu Ước là như thế, Tân Ước
chắc cũng không khác cái hành trình đức tin lên lên xuống xuống như vậy.
Nhớ lại hình ảnh của các
môn đệ là những người thân tín nhất, gần gũi với Thầy mình nhất nhưng niềm tin
nó vẫn còn chông chênh như thế nào đó.
Giuđa, được Thầy và anh em
tín nhiệm giao cho giữ túi tiền hẳn hoi. Thế nhưng, chẳng hiểu sao lòng dạ của
Giuđa đổi thay. Giuđa đã bán Thầy với cái giá rẻ mạt. Nhưng rồi khi thấy Thầy bị
tra tấn, bị giết thì lòng Giuđa lại đổi thay. Ở cái góc sân vườn trong Dinh Thượng
Tế, hai ánh mắt "trộm" nhìn nhau. Giuđa nhìn Thầy với ánh mắt xin Thầy
thương tha thứ, Thầy đã nhìn lại với ánh mắt chạnh lòng thương. Chỉ có hai ánh
mắt ấy mới hiểu nhau trong giây phút ấy và Chúa Giêsu dĩ nhiên cũng tha thứ cho
người môn đệ trót dại.
Phêrô, người anh cả của
tông đồ đoàn đã hơn một lần khẳng khái khẳng định rằng ai bỏ Thầy nhưng con,
con không bỏ Thầy. Thế nhưng, cũng chẳng hiểu sao lòng dạ đổi thay để chối Thầy
không phải một lần mà đến ba lần. Đau đớn vô cùng khi hai ánh mắt đó lại
"chạm" vào nhau trong sân Dinh Thượng Tế. Ánh mắt chạnh thương của Thầy
Chí Thánh cũng sẽ tha thứ cho niềm tin bị lỗi nhịp nơi con người mỏng dòn và yếu
đuối của Phêrô.
Và chúng ta, khi nhìn lên
ánh mắt của Thầy Chí Thánh Giêsu, không khi nào chúng ta không bắt gặp, không cảm
được lòng chạnh thương đó. Đặc biệt càng chạnh thương nơi những con người mỏng
dòn và yếu đuối. Khi yếu đuối, khi phạm tội, khi sa ngã, lại chạy đến với Chúa
để xin Chúa thứ tha và ban thêm lòng tin.
Hành trình đức tin của người
Kitô hữu là như thế, để rồi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khi còn đương nhiệm,
đã mở ra Năm Đức Tin để người tín hữu nhìn lại niềm tin của mình. Nhìn lại, rà
soát lại niềm tin ấy để sửa sai, để chấn chỉnh, để xin ơn đức tin, để đi tiếp
hành trình đức tin của mình. Cảm ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cho ta có dịp
để nhìn lại hành trình niềm tin của mình.
Hành trình Đức Tin của người
Kitô vẫn còn là một hành trình, vẫn mở ra, vẫn tiếp tục lữ hành trong cuộc lữ
hành trần thế đầy cam go thử thách này. Và, vẫn là con người yếu đuối tội lỗi,
ta lại cứ phải chạy đến với Chúa để xin ơn đức tin.
Có những lúc đâu đó trong
cuộc đời, ta bắt gặp hình ảnh của một vị Đavít nào đó phạm tội tày đình sống gần
ta, một hình ảnh của Giuđa nào đó cạnh nhà ta đang bán Chúa, hình ảnh của một
anh chàng Phêrô nào đó ngồi bên cạnh ta phản bội Chúa. Có thể ta dèm pha, có thể
ta khinh khi, có thể ta nặng lời chỉ trích người đồng loại đó, nhưng biết đâu
chừng, đến một lúc nào đó, ta còn tệ hơn họ. Và vì vậy, ta lại cứ phải xin Chúa
tha thứ cho ta những yếu hèn lầm lỗi, và xin ban thêm đức tin cho ta, để ta sống
trọn vẹn đức tin vào Chúa cho đến ngày cuối của cuộc đời ta.
Lm. Anmai - CSsR
TGP SAIGON