Ads

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

SỐNG ĐẠO NƠI GIA ĐÌNH

Ý NGHĨA SỐNG ĐẠO TRONG GIA ĐÌNH

Chúa Giêsu bảo: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Lập gia đình chính là ơn gọi, Chúa ban cho vợ chồng để cùng nhau và nhờ nhau nên hoàn thiện. Vậy, sống đạo trong gia đình là sự sống nên hoàn thiện, như Chúa Giêsu bảo. Sống đạo trong gia đình không đòi hỏi những nỗ lực thánh thiện quá sức, nhưng là sống chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa giao phó cho đôi vợ chồng, khi Ngài kết hợp bằng Phép Hôn Phối.

Sứ mệnh của gia đình công giáo
ĐTC Gioan-Phaolô II viết: “Trong Giáo Hội, gia đình là một giáo hội thu nhỏ, là nơi tiếp nhận và loan báo Lời Chúa. Mọi đôi bạn phải là sứ giả của tình yêu và sự sống, như một dấu hiệu sáng chói của sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu của Ngài, đối với những ai còn ở xa, đối với những gia đình chưa tin và cả đối với những gia đình Kitô hữu không sống cách phù hợp với đức tin họ đã tiếp nhận.” (1982)
Cách thức chu toàn sứ mệnh
Thánh Công Đồng Vatican II dạy: “Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội trong nhà mình, nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu tất cả gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội, và sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu” (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, chương 11d). Theo Thánh Công Đồng, sống đạo trong gia đình gồm ba điểm: Gia đình trở nên một đền thờ Thiên Chúa, nhờ yêu thương nhau và cùng nhau cầu nguyện; Tất cả gia đình của đôi bạn, cùng nhau tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội; Gia đình làm tông đồ bằng tiếp đón, bằng sống đức công bình và bác ái đối với người anh em khác.
Sau đây, chúng ta tìm hiểu ba điểm căn bản, giúp chúng ta sống đạo trong gia đình, để nhờ đó chúng ta nên hoàn thiện như Chúa Giêsu muốn.
1. Gia đình trở nên đền thờ Thiên Chúa.
Làm thế nào đây? Việc thực tế đầu tiên là cung hiến nhà mình ở cho Thiên Chúa. Vợ chồng xin Linh mục làm phép nơi ăn chốn ở của mình, dù đó là một căn phòng chật hẹp hay một biệt thự lộng lẫy. Sau đó, vợ chồng xin dâng mình cho Chúa và xin Chúa làm chủ gia đình mình. Từ đó Chúa Giêsu hiện diện giữa đôi lứa và Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn đời sống của gia đình. “Sự hiện diện của Chúa Giêsu làm cho sự hiệp nhất của đôi bạn trở nên trọn vẹn: hiệp nhất thể xác, tình yêu, tinh thần và thiêng liêng.” (Đường Hy Vọng, số 489)

Thánh Phêrô nhắc nhở: “Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nếp ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em. Vì có lời Kinh Thánh chép rằng: hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (1 P 1,14-16). Vậy thì, "Này ngôn ngữ xin dằn cho êm lại, nỗi bất bình thu xếp gọn một bên, còn đôi mắt, ngăn đừng cho cuồng dại, thu bóng hình những ảo ảnh phù vân.”

Lời ăn tiếng nói tục tằn, thô bỉ, hay lớn tiếng thóa mạ nhiếc mắng nhau trong gia đình, không những gây ảnh hưởng tai hại trên con cái mình, nhưng hoàn toàn bất xứng đối với “những người con biết vâng phục” Chúa Giêsu.
Còn đôi mắt, ngăn đừng cho cuồng dại. Những loại chương trình truyền hình, những loại phim video, những loại sách ảnh phỉ báng tôn giáo, tàn bạo, vô luân và dâm đãng, không chút nào thích đáng được cho gia đình người Kitô hữu, phải được loại hẳn ra khỏi đôi mắt mình, cách triệt để, không chút chần chừ. Chúa Giêsu có bảo: “Đèn của thân thể là con mắt của anh em. Khi mắt anh em sáng thì toàn thân anh em cũng sáng. Khi mắt anh em xấu thì toàn thân anh em cũng tối.” (Lc.11,34-35)
Vì nhà của đôi bạn là một thánh đường, một đền thờ.
a) Yêu thương nhau
Vợ chồng có yêu thương nhau mới làm gia đình nên ngôi thánh đường của Giáo Hội. Nhưng chúng ta yêu nhau với tình yêu nào? Đấy là điều chúng ta luôn luôn cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, trong suốt cuộc đời vợ chồng.

Một văn hào Pháp viết về tình yêu con người, như thế này: “Bạn nói bạn yêu chim và bạn nhốt chúng vào lồng. Bạn nói bạn yêu hoa và bạn cắt chúng đi. Bạn nói bạn yêu cá và bạn ăn chúng. Cho nên, khi bạn nói bạn yêu tôi, tôi thấy sợ!". Đối với người đời, yêu là như thế. Yêu là chiếm đoạt lấy cho mình để rồi giảm thiểu hay hủy hoại kẻ mình yêu. Lối yêu thương ấy đáng sợ vì gây bao đau thương và chết chóc.
Là Kitô hữu, chúng ta cần đặt câu hỏi: tôi yêu bạn đời tôi, là tôi yêu cho tôi hay tôi yêu cho bạn đời tôi? Đối với người Kitô hữu, yêu là cho mà không chờ đền đáp, như thánh Têrêsa nhỏ nói: Yêu là cho hết và cho cả chính mình (aimer c’est tout donner et se donner soi-même).

"Không ai có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.” (Ga 15, 13). Theo Chúa Giêsu, yêu là hiến mạng sống mình cho người mình yêu, như Ngài đã thực hiện tình yêu ấy đối với nhân loại trên Thập Giá. Vì vậy, vợ chồng cần học biết yêu thương nhau, bằng cách ngắm nhìn Chúa Giêsu. Yêu như Chúa Giêsu yêu chúng ta. Chỉ có yêu như Chúa Giêsu yêu, mới đem lại cho vợ chồng niềm vui thật và bền vững. Mọi tình yêu theo cách thế gian chỉ mang lại chua xót, đắng cay nếu không phải là chết chóc, ly dị.
b) Xin lỗi và tha thứ
Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, không phải là một ngẫu nhiên mà sau dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” (Mt 18,23-35), thánh Mátthêu lại đề cập đến “vấn đề vợ chồng không có quyền ly dị” (Mt 19,1-9). Trong dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót”, Chúa đưa ra sự chênh lệch giữa mười ngàn nén vàng và trăm quan tiền (giữa 600.000FF và 1 FF) để ta có được một ý niệm cụ thể về lòng thương xót của Chúa đối với ta, và về hành động yêu thương ta phải có, để giao hòa với người bạn đời của ta. Thánh Augustino nói: “Chúng ta thường có ước muốn thương yêu rất lớn và khả năng thương yêu rất hạn hẹp”. Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta, nếu chúng ta biết sống khiêm nhường để xin lỗi nhau, và biết sống yêu thương để tha thứ cho nhau. Đó là một chuyển động tình yêu làm rộng mở cõi lòng chúng ta, làm tình yêu vô tận của Thiên Chúa tràn vào được đời sống vợ chồng chúng ta.

Trong thơ gởi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô viết: “Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: "chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn". Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng”. (Ep 4, 25-27).
Nói sự thật với nhau, sống sự thật với nhau. Xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau. Được vậy, ma quỉ không tài nào thừa cơ lợi dụng được. Trong đời sống vợ chồng, có đôi bạn ngày càng cảm thấy xa nhau, vì đã để chồng chất quá nhiều lỗi lầm hằng ngày. Nếu mỗi ngày ta để ý quét sạch lỗi lầm nhỏ bằng xin lỗi, bằng tha thứ, ta sẽ luôn sống trong bình an, hạnh phúc của tình yêu vợ chồng.

Người ta có cảm tưởng xin lỗi là hạ mình trước người kia và tha thứ là mình ở địa vị bên trên người kia. Hiểu như thế là hiểu theo cách thế gian, là đứng vào vị thế của sự kiêu ngạo mà nhìn các nhân đức xin lỗi và tha thứ, trong lúc hai nhân đức này nằm trong phạm vi của Tình Yêu. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13, 34). Theo Kitô giáo, “yêu là cho hết và cho cả chính mình” (thánh Têrêsa Nhỏ). Yêu như Chúa Giêsu yêu chúng ta. Cho dù chúng ta bội bạc đến đâu, Ngài vẫn yêu chúng ta. Trong phạm vi tình yêu, không có chỗ đứng cho sự kiêu ngạo. Chúng ta đều là những kẻ có tội, có lỗi lầm. Khi lỡ nóng giận, khi lỡ lời làm mất lòng chồng hay vợ mình, khi có cử chỉ hay hành động không đúng với tình yêu... tôi xin lỗi. Khi xin lỗi là tôi muốn người phối ngẫu yêu tôi với tất cả những yếu hèn của con người thật của tôi. Và ngược lại, khi tha thứ là tôi muốn yêu người bạn đời tôi như Chúa Giêsu yêu tôi. Tha thứ là cho, cho dù mình có bị thương tổn. “Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Sống khiêm nhượng để biết xin lỗi và sống yêu thương để biết tha thứ.
Có lắm lúc, tình yêu vợ chồng gặp phải những trở ngại. Chính đấy là những lúc phải sử dụng ơn tha thứ Thiên Chúa ban cho và sự khiêm nhượng nhận biết lỗi lầm.

c) Cầu nguyện
Nghĩ kỹ lại, được sinh ra làm người, như thế này, đã là một ơn phước trọng đại. Lại được Rửa Tội, được nuôi dưỡng trong Giáo Hội Chúa…, thì thật bao nhiêu là ơn phước! Nói cách khác, không có ơn Chúa, con người không thể nào hình thành và triển nở được. Đời sống gia đình lại còn cần nhiều ơn Chúa hơn nữa. Ơn Chúa luôn chan chứa đầy tràn. Nhưng muốn lãnh nhận được chỉ có cách là cầu nguyện thôi.
Một cách cầu nguyện sinh nhiều hoa trái vững bền là học hiểu và thực hành Lời Chúa. Phúc Âm phải được đọc thường xuyên nhất trong gia đình. Vì khi vợ chồng cùng nhau đọc và tìm hiểu Phúc Âm, Chúa Thánh Thần sẽ thân hành dạy họ, dẫn dắt họ trên con đường hoàn thiện.

Đọc Phúc Âm trong gia đình không phải là điều khó thực hiện, nếu đôi bạn, hằng ngày để ra ít phút thôi, vào buổi tối sau bữa ăn chẳng hạn. Cùng nhau đọc một đoạn Phúc Âm. Rồi thinh lặng suy niệm, rồi tự phát cầu nguyện, cầu cho chính mình, cho người bạn đời, cho các người mình trách nhiệm, cho con cái, cho người thân yêu, cho công cuộc tông đồ của gia đình…

Những giây phút cùng nhau cầu nguyện, thật là đẹp, thật là huyền diệu. Làm cho tình vợ chồng, cha mẹ con cái nên keo sơn thắm thiết, vì tất cả gia đình được liên kết mật thiết với Chúa. Đấy là giây phút mà Lời Chúa thấm nhập tận nơi sâu thẳm của tâm linh đôi bạn, chữa lành mọi vết thương đau. Cũng là giây phút bên nhau cùng nghỉ ngơi trong Chúa, phó thác mọi sự cho Ngài và được Ngài bồi dưỡng lại sức sau một ngày lao nhọc.
Ta thường có ý muốn cầu xin cho chồng hay cho vợ thay đổi ra như thế này, thế kia. Lẽ ra, ta cần cầu xin cho ta biết yêu thương người bạn đời của ta là đủ, như thánh Bernadette nói: “Il suffit d’aimer!”
Gia đình công giáo là “nơi tiếp nhận và loan báo Lời Chúa”. Không đọc Phúc Âm trong gia đình, sao gọi là tiếp nhận? Không suy niệm Phúc Âm sao có thể loan báo được? Sống đạo đòi hỏi tranh thủ thời giờ để đọc và chia sẻ Phúc Âm.

Cầu nguyện luôn đi đôi với tin tưởng. Chúa có nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được… Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.” (Lc 11,9.13b). Cầu nguyện và để Chúa hành động trong ta. Có những lối Ngài dẫn ta đi, khác hẳn, có khi trái hẳn, những gì ta mong chờ. Nhưng Ngài là Thiên Chúa lại thương xót ta vô vàn, lối Ngài dẫn luôn là lối thích hợp nhất, tốt đẹp nhất cho ơn gọi ta, cho cuộc đời ta.

Cầu nguyện là “trong mọi trường hợp, ta hãy chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa ta, ta hãy xin Người làm cho đường ta đi, được ngay thẳng.” (Tb 4, 19). Những lúc sầu khổ nhất, ta càng cảm tạ Chúa hơn nữa. Vì chính những lúc ấy, ta lãnh nhận ơn Ngài nhiều nhất, ơn biến nước mắt của ta hôm nay thành nụ cười tươi vui cho mai sau: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125, 5). Ta chỉ thấy đời mình trong một tương lai ngắn. Còn Ngài, Ngài thấu triệt cùng một lúc, quá khứ, hiện tại và tương lai đời ta, từ lúc chưa lọt lòng mẹ, đến đời đời về sau. Vì thế, ta cần phải chúc tụng Chúa trong mọi trường hợp. “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
2. Gia đình của đôi bạn cùng nhau tham dự việc phụng vụ của Giáo Hội:
Khi về trời, Chúa Giêsu trao lại cho Giáo Hội Ngài, ba nhiệm vụ: Dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa, Cử hành và Ban phát các phép Bí Tích và nhiệm vụ thứ ba là cầu nguyện các Giờ Kinh Phụng Vụ. Các nhiệm vụ ấy được gọi là việc phụng vụ thánh của Giáo Hội. Chính Chúa Giêsu hành động trong các phụng vụ thánh của Giáo Hội.

Thánh Công Đồng Vatican II dạy rất rõ về điều hệ trọng này: “Chúa Giêsu hiện diện trong Hy Lễ không những trong con người thừa tác viên, vì "như xưa Người đã tự dâng mình trên thập giá, thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục", mà nhất là hiện diện thật sự dưới hai hình Thánh Thể. Người hiện diện trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai rửa tội chính là Chúa Kitô rửa. Người hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo Hội cầu khẩn và hát Thánh Vịnh như chính Người đã hứa: “Đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20), (Phụng Vụ Thánh chương 7).

a) Tham dự các Thánh Lễ Tạ Ơn và lãnh nhận các Bí Tích
Giáo Hội buộc giáo dân phải tham dự các Thánh Lễ Tạ Ơn (lễ ngày Chúa nhật và các lễ trọng), phải lãnh nhận các Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Hòa Giải và Thánh Thể (ít nhất là một lần trong Mùa Phục Sinh), Bí tích Hôn Phối nếu đôi nam nữ muốn chung sống vợ chồng, Bí tích Truyền Chức Thánh dành cho những người được gọi cách riêng, Bí tích Xức Dầu mỗi khi đau nặng và nhất là khi sắp qua đời. Còn các Giờ Kinh Phụng Vụ, Giáo Hội khuyến khích giáo dân thực hành chớ không buộc.
Chúa Giêsu ở giữa Giáo Hội, như cây nho và cành nho. “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5). Không cành nào lìa cây mà không bị khô héo. Cũng vậy, không gia đình đôi bạn nào, hờ hững tham dự phụng vụ của Giáo Hội, mà có thể sống đạo được. Vả lại, khi được Rửa Tội, ta được tham dự vào chức Tư Tế, Tiên Tri và Vương Giả của Chúa Giêsu. Chức tư tế của ta là để cho việc phụng vụ thánh. Hờ hững tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn sao còn là Kitô hữu được!
Khi lãnh nhận Bí tích Hôn Phối, vợ chồng được Chúa Kitô kết hiệp để nên như dấu chứng của sự kết hiệp giữa Ngài với vị Hiền Thê Ngài là Giáo Hội.

b) Ơn và bổn phận làm con Thiên Chúa.
Người khinh dể Thánh Lễ Tạ Ơn, là người thấy vui, thấy thuận tiện cho mình thì tham dự, không thì thôi. Còn người khinh dể Bí Tích Hôn Phối là người ngoại tình, hay là người bỏ vợ hay chồng mình. Khinh dể Thánh Lễ Tạ Ơn cũng như khinh dể Bí tích Hôn Phối là khinh dể những điều Thiên Chúa dạy làm để thờ phượng Ngài, là phạm tội trọng.

Phạm tội trọng là từ khước không muốn làm con Thiên Chúa. Thật là khủng khiếp! Từ khước làm con Thiên Chúa, để cho Ác Quỉ hoành hành nơi mình; từ khước một linh hồn huy hoàng lộng lẫy để chuốc lấy một linh hồn đồi bại, xấu xa; và nhất là muốn sỉ nhục Chúa Giêsu, không muốn hưởng nhờ sự Thương Khó đau khổ và sự chết của Ngài. Không! Không thể như thế được! Ơn cần kíp nhất mà ta phải xin Chúa, là đừng bao giờ để cho ta phải phạm tội trọng, để cho ta rơi vào tình trạng khủng khiếp đó.

3. Gia đình làm tông đồ
Có thể nói, Giáo Hội được Chúa Giêsu khai sinh là để làm tông đồ. Làm tông đồ là làm cho Nước Chúa rộng mở trên khắp hoàn cầu. Để nhờ đó, Ơn Cứu Rỗi được mang đến cho mọi người. “Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội, không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời thánh Tông Đồ Phaolô: “hết thảy công việc anh em làm trong lời nói hay việc làm, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thực hành, nhờ Người để cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa” (Cl 3, 17) (Tông Đồ Giáo Dân 2 và 4). Nhờ nhân danh Chúa Giêsu, mà việc tông đồ là việc làm cho chúng ta nên hoàn thiện cao độ nhất.
a) Sứ giả của tình yêu và sự sống.
Đối với đôi bạn, làm tông đồ trước hết, là làm “sứ giả của tình yêu và sự sống”. Là sứ giả của tình yêu, giữa đôi bạn phải có tình yêu vợ chồng bất khả phân ly. Là sứ giả sự sống, đôi bạn phải yêu sự sống, phải có ước muốn truyền lại sự sống và bảo vệ sự sống. Để rồi, bằng đời sống vợ chồng như thế, tỏ cho mọi người biết Nước Trời đang ở giữa họ.
Làm tông đồ của bậc cha mẹ, là bằng nhiều gương sáng hơn là bằng nhiều lời nói, huấn luyện con cái mình biết kính mến Thiên Chúa, biết yêu mến Giáo Hội Ngài và ham chuộng làm việc tông đồ.
b) Làm tông đồ bằng tiếp đón
Trong sách Đường Hy Vọng, viết: “Gia đình công giáo làm tông đồ bằng tiếp đón. Mở rộng nhà các con và đồng thời mở rộng lòng các con. Nhà nào lại không có khách? Tiếp đón là cách thế tiện nhất, tự nhiên nhất, để làm chứng tích về tình yêu, về sự hiệp nhất, về niềm vui, về cởi mở… Nghệ thuật tiếp đón sẽ trở nên tông đồ tiếp đón. Các con hãy sống và làm cho những ai đến gia đình các con đều thèm sống được như các con. ” (ĐHV. 503)

c) Sống đức công bình và bác ái
Về điều này, Thánh Công Đồng Vatican II dạy: “Trong các việc tông đồ của gia đình, cần phải kể đến những việc như: nhận làm con nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi, ân cần tiếp đón những khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần, lo cho những người già cả không có những điều kiện cần thiết, mà cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế.” (Tông Đồ Giáo Dân 11d).

Trên thực tế, đôi bạn làm việc tông đồ, bằng cách tha thiết tham gia sinh hoạt các Hội Đoàn của Giáo Xứ. Vì Giáo Xứ là Giáo Hội của Chúa, một công cụ Ngài dùng để cứu rỗi sinh linh, trong một địa bàn hoạt động nào đó của Giáo Xứ. Làm mạnh Giáo Xứ là làm mạnh công trình tay Chúa. Sống cho Giáo Xứ là sống cho Chúa Giêsu.

Kết luận
Trên đường đời, và cũng là trên đường nên hoàn thiện, kinh nghiệm cho biết, có lắm lúc, ta nản chí chùn chân. Trong Phúc Âm, nhiều lần kể lại rằng Chúa Giêsu “đi ra nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc. 1, 45). Vợ chồng lại càng cần phải có những ngày cùng nhau “đi ra nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó”, nghĩa là những ngày tĩnh tâm, ít nhất là một lần trong một năm.
Tĩnh tâm là sống sự tự do của con cái Thiên Chúa, không để cho lo âu và sinh kế hằng ngày lôi cuốn đời mình, như giòng nước lũ lôi cuốn khúc gỗ mục. Tĩnh tâm là tìm về Chúa, để Chúa giúp ta lấy ra một khoảng cách, từ đó có thể nhận định hướng đi của đời ta. Có phải ta đang bị quay cuồng trong con xoáy của thế trần, hay ta vẫn nắm vững đời ta trên đường nên hoàn thiện như Chúa muốn.

Những ngày tĩnh tâm là những ngày ta tắm gội trong ơn Chúa, múc lấy ơn sủng Ngài, bồi dưỡng sinh lực, tích trữ thần lương. Để lại ra đi, sống giữa trần thế, để chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó cho đôi bạn, là hoàn thiện cuộc đời vợ chồng mình, bằng tâm tình mến Chúa yêu người.
“Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6, 20). Có Chúa Giêsu hiện diện, có Chúa Thánh Thần dẫn dắt, gia đình của anh chị sẽ sáng chói, để nên như dấu hiệu của Ánh Sáng Phục Sinh giữa những con người thế trần. Thế trần càng tối tăm, càng phũ phàng, dấu hiệu sáng chói của anh chị lại càng cần thiết, càng cấp bách hơn, cho nhiều người đang còn bị tối tăm bao phủ.
Linh Mục Inhaxiô Nguyễn Văn Thạch